Top 19 điểm Check in không thể bỏ qua khi đến đảo Phú Quý Bình Thuận

Your Vacation Travel cung cấp kiến thức kinh nghiệm đảo Phú Quý, Bình Thuận.
Nhắc tới Phan Thiết là địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều điểm dừng chân thú vị như: hòn Rơm, tháp Chàm, bãi đá Cổ Thạch, Cù Lao Câu,…. Bên cạnh đó còn có đảo Phú Quý đang là địa điểm hấp dẫn vì là điểm du lịch còn khá hoang sơ chưa được khai thác nhiều. Dưới đây là cẩm nang du lịch đảo Phú Quý với những thông tin hữu ích để du khách tham khảo trước khi đến đảo. Nếu các bạn chưa biết đi tham quan chỗ nào khi đến đảo Phú Quý Hãy xem danh sách những địa điểm du lịch hấp dẫn do Your Vacation Travel gợi ý với 19 điểm di tích và Danh lam Thắng cảnh tại đảo Phú Quý 
Đảo Phú Quý
Đảo Phú Quý - Bình Thuận
Du lịch Đảo Phú Quý đang là điểm đến hấp dẫn ở Bình Thuận, vì là điểm du lịch còn khá hoang sơ chưa được khai thác nhiều do đó rất hấp dẫn các bạn trẻ, đặc biệt là những phượt thủ. Vì là điểm du lịch mới nổi tiếng ở Bình Thuận, nên những thông tin và hướng dẫn du lịch hòn đảo này không nhiều, 
phuquy_binhtuahn

 
Đảo Phú Quý là một huyện đảo nhỏ thuộc tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 120km, có diện tích 16km2. Từ lâu, đảo Phú Quý đã trở nên quen thuộc với nhiều người với những cái tên: Cổ Long, Thuận Tịnh, Cù Lao Khoai Xứ, Cù Lao Thu,…. Tuy là hòn đảo nằm biệt lập giữa trùng dương nhưng dấu tích phát hiện được cho thấy đảo đã được khai phá từ rất sớm. Trải qua nhiều biến cố của lịch sử, Phú Quý là nơi hội tụ của nhiều luồng dân di cư từ lục địa ra với nhiều thành phần dân tộc khác nhau.

1. Di tích lịch sử - văn hoá cấp Quốc gia thắng cảnh Linh Quang Tự
  [Chùa Linh Quang] Từ khi tạo dựng đến nay, người dân trên đảo gọi tên chùa là “Linh Quang Tự” nhằm cầu mong hào quang, ánh sáng của chùa luôn linh hiển soi sáng để cứu độ dân chúng trên đảo có cuộc sống an bình và hạnh phúc. Linh Quang Tự là ngôi chùa khởi đầu gắn liền với sự truyền bá ánh sáng phật giáo ở Phú Quý. Không chỉ là một nơi có quang cảnh đẹp, mà Linh Quang Tự còn là ngôi chùa tiêu biểu trên các lĩnh vực lịch sử, văn học, nghệ thuật so với các ngôi chùa khác ở trên đảo.
Linh Quang Tự nổi tiếng về qui mô cũng như nghệ thuật kiến trúc, tôn giáo, lễ nghi, có những cảnh trí thiên nhiên đa dạng xứng đáng là danh lam thắng cảnh của đảo Phú Quý. Nếu tính niên đại chính thức của ngôi chùa theo gia phả để lại thì chùa được kiến tạo, tu bổ lại vào năm Đinh Mão 1747 đời vua Lê Hiển Tông - niên hiệu Cảnh Hưng thứ 8, đây là một trong những ngôi chùa có niên đại sớm nhất ở Bình Thuận. Với những giá trị và ý nghĩa tiêu biểu đó, Linh Quang Tự được Bộ Văn hóa Thông tin (Nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng thắng cảnh cấp Quốc gia 
Chùa Linh Quang tự Phú Quý
Chùa Linh Quang Tự, Đảo Phú Quý
2. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia Vạn An Thạnh
Vạn An Thạnh tọa lạc trên một bãi cát trắng sát cạnh bờ biển thuộc thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Tên gọi Vạn An Thạnh nói lên ước nguyện có một cuộc sống an khang, thịnh vượng của bà con ngư dân nơi đây. Vạn thờ cá Ông, thờ Thành hoàng bổn xứ và Tiền hiền, Hậu hiền. Vạn An Thạnh được tạo dựng vào năm Tân Sửu (1781) và có niên đại sớm nhất so với các vạn khác ở Phú Quý. Nơi đây còn lưu giữ bộ xương cá Nhà Táng thuộc họ cá Voi, bộ xương có chiều dài trên 17m, có 50 đốt xương, cá có 30 đôi răng mọc ở hàm dưới, bộ xương đã được phục dựng và hiện đang trưng bày tại Nhà trưng bày xương cá Voi trong khuôn viên của vạn.
Ngoài những giá trị văn hóa dân gian truyền thống Vạn An Thạnh là một bảo tàng văn hóa biển với nhiều sưu tập những chủng loại cá voi và rùa da. Có thể xếp vào hạng các bảo tàng về biển có niên đại cổ xưa trên thế giới. Vạn An Thạnh như một chứng nhân bao đời của lịch sử vùng đảo với hững giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và văn học dân gian sẽ được kế thừa và tiếp tục phát triển. Vạn An Thạnh được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia, 

 3. Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ Công chúa Bàn Tranh
[CCBT] Truyền thuyết kể rằng: Công chúa Bàn Tranh vì không nghe lời vua cha nên bị kết tội phản nghịch và bị lưu đày ra hoang đảo. Nàng được ban cho một số nô tỳ để hầu hạ và một chiếc thuyền buồm làm phương tiện ra đi. Khi đến đảo họ bắt đầu vỡ đất, làm nương, câu cá và tạo lập cuộc sống mới trên đảo hoang. Công chúa Bàn Tranh là người có công đầu trong việc đưa lên đảo những giống lương thực, hoa màu và hướng dẫn người dân trên đảo khai khẩn đất đai làm ruộng vườn, hình thành xóm làng và chỉ dạy người dân cách trồng trọt, làm nghề…. Với những công lao to lớn đó, người Chăm nói riêng và nhân dân trên đảo Phú Quý nói chung đã tôn vinh gọi Đền thờ Công chúa Bàn Tranh hay đền thờ bà Chúa Xứ.
Lễ hội Đền thờ Công chúa Bàn Tranh diễn ra vào ngày mùng 3 tháng giêng âm lịch đây cũng là ngày kỵ của Bà. Do lễ hội diễn ra đúng vào dịp tết Nguyên Đán nên thu hút hầu như toàn bộ người dân trên đảo tham gia. Đền thờ Công chúa Bàn Tranh là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Chăm trong quá trình lịch sử giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật nói trên, Đền thờ Công chúa Bàn Tranh được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia,
Đền thờ Công chúa Bàn Tranh
4. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ thầy Sài Nại
Đền thờ (Dinh Thầy) được người dân trên đảo xây dựng vào cuối thế kỷ XVII để thờ thầy Sài Nại. Thầy Sài Nại là tên gọi kính cẩn của người dân trên đảo đối với vị thương gia người Hoa đã có công bảo bọc, chở che và cưu mang người dân xứ đảo qua nhiều thế hệ. Đền thờ tọa lạc trên một ngọn đồi cao tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng (riêng mộ của Thầy nằm ở Thôn Đông Hải, xã long Hải).  
Truyền thuyết về thầy Sài Nại được người dân Phú Quý lưu truyền rằng: Thầy Sài Nại vốn là nhà địa lý, nhà thiên văn tài ba người Hoa. Thầy thường theo các thuyền buôn của người Hoa vượt đại dương đến nhiều nước trên thế giới để hành nghề. Qua nhiều chuyến hải trình, có lần Thầy và các thủy thủ đoàn ghé lên đảo Phú Quý để nghỉ ngơi, từ đó Thầy mới phát hiện địa hình, địa thế đảo Phú Quý là vùng địa linh so với các hòn đảo khác. Chính vì thế sau khi rời đảo, Thầy đã thổ lộ với các thủy thủ đoàn và gia đình ước nguyện của mình là khi qua đời hãy đưa tro cốt của Ông tới đảo Phú Quý an táng.
Đền thờ thầy Sài Nại là di tích mang nhiều dấu ấn, giá trị về văn hóa, lịch sử, phản ánh rõ nét quá trình tiếp biến, giao thoa văn hóa giữa người Việt và người Hoa trong quá trình chung sống giữa vùng biển đảo xa xôi. Đồng thời thể hiện nét đẹp trong đời sống văn hóa dân gian của cộng đồng cư dân Phú Quý từ trước đến nay. Trải qua hơn 300 năm tồn tại, được các thế hệ người người Chăm rồi đến người Việt của các làng trên đảo kế tiếp nhau trông nom, tôn tạo, thờ phụng và thực hiện các nghi thức tế lễ theo đúng tập tục xưa. Với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn bảo lưu, gìn giữ đến hôm nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã công nhận Đền thờ thầy Sài Nại là Di tích Lịch sử Văn hóa Cấp Tỉnh
5. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ Bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải
Đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải được tạo dựng vào giữ thế kỷ XIX nằm trên địa phận thôn Thương Châu, xã Ngũ Phụng. Quần thể kiến trúc của di tích tuy được bố trí trong cùng một khuôn viên nhưng có hai chức năng thờ phụng khác nhau. Nhìn từ hướng đối diện thì ngôi chính điện bên tả thờ bà Chúa Ngọc (còn gọi là Pô Inư Nagar hay Thiên Ya Na Diễn Ngọc Phi - một vị nữ thần được người Chăm tôn vinh là bà mẹ Xứ Sở). Ngôi chính điện bên hữu thờ ông Nam Hải (cá Voi) và các bậc Tiền, Hậu hiền có công quy tập dân cư đến khẩn hoang, sinh cơ lập nghiệp, lập làng theo tín ngưỡng ngư nghiệp.
Hàng năm, tại đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải diễn ra hai kỳ tế lễ chính: Tế Xuân vào tháng giêng âm lịch và tế Thu vào tháng tám âm lịch.
Trải qua hơn thế một kỷ tồn tại, Đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải đã được sửa chữa, trùng tu nhiều lần. Với những giá trị di tích độc đáo và đặc sắc, Đền thờ bà Chúa Ngọc và Vạn Thương Hải được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh 

6. Di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh Vạn Mỹ Khê (Lăng Cô)
 Vạn Mỹ Khê được tạo lập từ năm 1785, đến nay đã trải qua hơn 2 thế kỷ. Vạn là thiết chế tín ngưỡng dân gian gắn liền với tập tục thờ cúng cá voi của ngư dân làng Mỹ Khê qua nhiều thế hệ trong cuộc sống mưu sinh trên biển đảo. Sự tồn tại của di tích này gắn liền với quá trình khai khẩn đất đai, tạo lập làng xóm và xây dựng lăng vạn của các thế hệ cha ông ngày trước.
Hàng năm, tại vạn Mỹ Khê diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân - thu nhị kỳ theo tập tục “Xuân cầu Thu báo”. Lễ tế Xuân diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng giêng đến tháng ba âm lịch. Lễ kỵ Cố vào ngày 20 tháng tư âm lịch, đây là lễ tế vị thần Nam Hải đầu tiên lụy và trôi dạt vào bờ được ngư dân làng Mỹ Khê làm lễ an táng, thượng ngọc cốt và đưa vào lăng tẩm để thờ phụng theo tập tục, tín ngưỡng dân gian lâu đời của ngư dân vùng biển. Mục đích của nghi lễ này để khẩn cầu thần Nam Hải phù trợ cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, thuyền ra khơi đánh bắt đầy tôm cá. Tế Thu trong khoảng thời gian từ tháng bảy đến tháng chín âm lịch, mục đích của nghi lễ này để tạ lễ, báo đáp thần Nam Hải đã phù hộ, độ trì và bảo trợ cho dân làng qua một năm làm ăn gặp nhiều thuận lợi, may mắn để có một cuộc sống khấm khá và sung túc.
Với những giá trị văn hoá đặc sắc, Vạn Mỹ Khê được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - Văn hoá Cấp tỉnh 
Mỹ khê Phú Quý
7. Di tích lịch sử Văn hoá cấp tỉnh Đình - Vạn Hội An
Đình - Vạn Hội An được tạo dựng vào cuối thế kỷ XVIII để thờ Thành hoàng Bổn cảnh, thần Nam Hải và các bậc Tiền hiền, Hậu hiền của làng theo tín ngưỡng của cư dân sống bằng nghề nông và ngư nghiệp.
Đình và Vạn Hội An tọa lạc ở thôn Triều Dương, xã Tam Thanh. Đây là thiết chế tín ngưỡng dân gian hàm chứa hai chức năng thờ phụng chính gắn với sinh hoạt văn hóa tâm linh của cộng đồng người Việt theo quan niệm thần Thành hoàng che chở, bảo trợ cho làng xã; thần Nam Hải (cá voi hay cá ông) cứu giúp ngư dân trên biển theo tín ngưỡng ngư nghiệp truyền thống của người dân vùng biển. Ngoài ra, tại di tích còn thờ các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công quy tụ dân cư khẩn hoang lập làng, dựng đình và vạn ngày trước.
Hàng năm, tại Đình - Vạn Hội An diễn ra 3 kỳ tế lễ chính vào dịp xuân - thu nhị kỳ theo tập tục “Xuân cầu Thu báo” và lễ kỵ Cố vào ngày mùng 01 tháng sáu âm lịch. Đình - Vạn Hội An được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh tại
8. Di tích lịch sử - Văn hoá cấp tỉnh Đình làng Triều Dương
Đình Triều Dương là nơi tôn thờ Thành hoàng Bổn cảnh và các bậc tiền nhân đã có công khai mở đất và tạo lập làng. Theo tài liệu để lại, Đình làng Triều Dương được khởi dựng vào năm 1773. Đình làng Triều Dương là loại hình di tích kiến trúc dân gian gắn với đời sống nông, ngư nghiệp của nhân dân, là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các vị thần linh và các bậc tiền nhân đã có công bảo trợ, khai phá đất đai và tạo lập xóm làng. Đình làng Triều Dương là tên gọi gắn với quá trình hình thành làng, xây dựng đình và đặt tên đình mang tên làng theo phong tục, tập quán của người Việt trong hành trình Nam tiến khai phá đất đai tạo lập cuộc sống mới.
Qua hơn 2 thế kỷ, Đình làng Triều Dương vẫn không thay đổi và vẫn lưu giữ tên gọi xưa, điều đó thể hiện và khẳng định nét đặc trưng của văn hóa làng mà hạt nhân là ngôi đình vẫn trường tồn mãi mãi. Chính những giá trị văn hóa còn được bảo lưu gìn giữ, Đình làng Triều Dương được UBND tỉnh Bình Thuận công nhận Di tích lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh
9. Di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh Đình làng Long Hải
Đình làng Long Hải (hay còn gọi là nhà vuông, nhà ông cha) được khởi dựng vào cuối thế kỷ XVIII, là nơi thờ Thành hoàng Bổn cảnh, các bậc Tiền hiền, Hậu hiền có công quy tập dân chúng khẩn hoang lập làng và dựng đình; đồng thời đình còn là nơi hội họp, giải quyết những công việc hệ trọng của làng và là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của cộng đồng làng xã.
Hàng năm tại Đình làng Long Hải tổ chức hai đợt tế lễ: tế Xuân diễn ra vào tháng giêng hoặc tháng hai âm lịch, tế Thu vào tháng bảy hoặc tháng tám âm lịch. Trải qua hơn 200 năm tồn tại, Đình làng Long Hải được nhiều thế hệ người dân địa phương đóng góp công sức, tiền của để dựng đình và trùng tu, tôn tạo. Đây là một trong những di tích lịch sử - văn hóa chứa đựng nhiều giá trị về văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu và đặc sắc ở đảo Phú Quý.
Với những di tích động sản và bất động sản còn bảo lưu nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật…Nơi đây còn lưu giữ một số di sản tư liệu Hán Nôm và di vật có giá trị gắn với lịch sử, văn hóa của làng Long Hải nói riêng và đảo Phú Quý hơn 200 năm về trước. Chính vì vậy Đình làng Long Hải được UBND tỉnh Bình Thuận xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại Quyết định số: 1995/QĐ-UBND ngày 7/9/2010.
10. Di tích lịch sử - văn hoá Cấp tỉnh Đền thờ bà Chúa Ngọc (Miếu Cây Da)
Đền thờ bà Chúa Ngọc tọa lạc tại thôn Quý Hải, xã Long Hải, là thiết chế tín ngưỡng dân gian được người Việt trên đảo tạo dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX để thờ nữ thần Thiên Ya Na mà người Chăm gọi là Pô Ina Nagar - thần mẹ Xứ Sở. Người Việt tôn thờ Thiên Ya Na với ước nguyện cầu mong Bà phù hộ, độ trì cho công việc mưu sinh gặp nhiều may mắn, cuộc sống ấm no và hạnh phúc. Bên cạnh Thiên Ya Na là vị thần được thờ phụng chính tại di tích, tại đền còn thờ Bạch Mã Thái Giám, các bậc Tiền hiền và Hậu hiền đã có công khai mở đất đai, tạo lập xóm làng và dựng đền.
Tại đây hàng năm diễn ra 3 kỳ tế lễ chính: tế Xuân vào ngày 12 tháng giêng, tế Thu vào tháng tám hoặc tháng chín và lễ kỵ Bà (giỗ Bà) vào ngày mùng 8 tháng mười âm lịch. Đền thờ bà Chúa Ngọc chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa cả về vật thể và phi vật thể gắn với đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng người Việt ở xã Long Hải nói riêng và huyện Phú Quý nói chung. Từ khi tạo lập đến nay, đền thờ bà Chúa Ngọc luôn giữ một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư địa phương. Chính vì vậy, UBND tỉnh Bình Thuận đã xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh 
 11. Danh lam thắng cảnh Chùa Linh Sơn - núi Cao Cát
 Chùa Linh Sơn - núi Cao Cát được tạo dựng vào đầu thế kỷ XX. Nơi đây là một quần thể thắng cảnh tuyệt đẹp và thơ mộng. Không chỉ là địa điểm hành hương, mà chùa Linh Sơn còn mang đến cho bạn một chuyến du ngoạn kỳ thú, một cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên đặc sắc. Được ngắm sóng biển mênh mông, núi non hùng vĩ, cảm nhận sự yên ả của chốn thanh tịnh, chắc hẳn tinh thần của bạn sẽ trở nên thư thả, sảng khoái sau chuyến đi
Du khách đến Phú Quý không nên bỏ qua cơ hội đến đỉnh núi phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn bộ đảo Phú Quý đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình. Không khí nơi đây trong lành mát dịu tạo cảm giác dễ chịu cho du khách sau bao ngày làm việc căng thẳng mệt mỏi.
Đây cũng là nơi thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, vãn cảnh. Từ Chùa Linh sơn chúng ta có thể ngắm nhìn toàn bộ khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên. Trên đỉnh núi những vách đá xoắn trôn ốc tạo nên sự kỳ bí huyền diệu, đến đây du khách như đang lạc vào thời tiền sử.
Huyện đảo Phú Quý có rất nhiều cảnh đẹp, thật tiếc nếu bạn bỏ lỡ những cảnh sắc khác tại vùng đất này. Đó là ngọn Hải Đăng lớn nhất Việt Nam trên đỉnh núi Cấm, đó là ngôi chùa Linh Sơn hơn 100 năm tuổi ở núi Cao Cát, đó là Vạn An Thanh cạnh bãi cát trắng xóa, đó là chùa Linh Quang hơn 250 tuổi…

Linh sơn cao chát Phú Quý

Đảo Phú Quý bình thuận
Tác giả chụp tại đảo Phú Quý - Các chiến sỹ Đặc công nước huấn luyện tại Đảo

12. Chùa Linh Bửu Phú Quý
Chùa Linh Bửu tọa lạc tại thôn Phú An, xã Ngũ Phụng, huyện Phú Quý. Chùa nằm trên sườn núi Cấm thanh tịnh, ngọn núi cao nhất của huyện đảo. Phong cảnh nơi đây rất u nhàn tịch mịch. Khởi nguyên Chùa được xây dựng vào năm 1968 với kiến trúc đơn sơ để có nơi tín đồ sinh hoạt, gồm ngôi chánh điện và nhà giảng. Năm 1999 tín đồ xây dựng nơi đây một Bảo Tháp rất uy nghi tổng hợp hài hòa giữa nét văn hóa Thái Lan và Việt Nam để tôn trí nhục thể của Hòa thượng Thích Tường Kim. Vào năm kỷ mão Ban Hộ tự Chùa Linh Bửu phát tâm đại trùng tu thành một ngôi phạm vụ trang nghiêm. Linh Bửu Tự là biểu tượng kiến trúc dặc thù của nền văn hóa phật giáo Việt Nam hòa nhập, tô thắm nét đẹp cho ngọn Cấm sơn hùng vị, Chùa nằm trên sườn núi, là nơi sinh hoạt và hành lễ của phật tử trong đời sống tâm linh, một danh lam thắng cảnh hữu duyên yên tịnh, đồng thời là điểm dừng chân lý tưởng để khách thập phương hành hương đến thăm viếng, nghỉ ngơi và tiếp sức cho chặng đường tham quan ngọn đuốc Hồ Chí Minh và ngọn Hải đăng hùng vĩ trên ngọn núi cao nhất huyện đảo Phú Quý.
Chùa Linh Bửu Phú Quý
13. Đuốc Bác Hồ
 Đuốc Bác được khánh thành vào năm 2011. Ngọn đuốc cao 19,5m, gợi nhớ đến ngày 19/5 - ngày sinh của Bác Hồ. Vị trí xây dựng ngọn đuốc được thiết kế thành sân lễ, có đặt tượng đài Bác bằng đá trắng non nước nguyên khối nặng gần 1 tấn. Con đường từ Chùa Linh Bửu đến nơi dựng đuốc Bác uốn lượn theo triền núi dài gần 300m, gồm một đoạn bằng phẳng được tráng bê tông và 2 đoạn xây đá theo bậc tam cấp. Đây là nơi cán bộ, nhân dân huyện đảo Phú Quý thường xuyên tổ chức viếng Bác, báo công với Bác vào những ngày lễ, tết những lúc diễn ra các sự kiện trọng đại của địa phương nhằm giáo dục, nhắc nhở các thế hệ trẻ trên đảo cùng chung sức, chung lòng xây dựng đảo ngày càng giàu đẹp, vững mạnh, xứng đáng là đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Hiện nay, ngọn đuốc Hồ Chí Minh không chỉ là nơi sinh hoạt chính trị mà còn là một điểm tham quan du lịch không thể bỏ qua của du khách mỗi khi đến đảo Phú Quý.
Đuốc Bác Hồ _phú quý
Phú Quý đuốc Bác Hồ
14. Bãi tắm Vịnh Triều Dương
 Vịnh Triều Dương là địa điểm quen thuộc với nhiều người dân địa phương và du khách gần xa, với bãi cát trắng, mịn trải dài lấp lánh dưới ánh nắng dịu nhẹ cùng làn gió mang vị mặn của biển, là nơi thích hợp nhất để cho du khách đắm mình trong làn nước biển trong xanh mát lạnh, khiến người ta cảm thấy tâm hồn tươi mát và thoải mái hơn. Đặc biệt hơn mỗi khi hoàng hôn xuống, thật dễ chịu khi nằm trên bãi cát và lắng nghe những âm điệu ru dương của tiếng sóng biển rì rào hòa cùng tiếng gió biển vi vu, thật thú vị và lãng mạng khi được ngắm nhìn hoàng hôn buông dần trên nền cát trắng. Với vẻ đẹp đấy quyến rũ, Vịnh Triều Dương luôn để lại trong lòng chúng ta một cảm giác khó quên khi rời khỏi nơi đây.
Bãi tắm Triueef Dương (Bãi Nhỏ)
 15. Hải Đăng Phú Quý
Núi Cấm là một ngọn núi cao nhất trong ba ngọn núi ở Đảo Phú Quý, nằm ở độ cao 108m so với mực nước biển, trên đỉnh núi Cấm có một ngọn Hải Đăng thuộc loại lớn nhất Việt Nam. Hải đăng Phú Quý cao 18m, tháp đèn hình vuông. Bên dưới chân tháp là tòa nhà 2 tầng. Đèn Hải đăng có tầm chiếu xa 22 hải lý, tọa độ của đèn là 10 độ 32’05’’ vĩ độ Bắc, 108 độ 55’07’’ kinh độ Đông.” Ngọn Hải đăng này giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Phú Quý xác định được vị trí an toàn. Muốn chinh phục ngọn Hải đăng, du khách phải đi bộ, leo núi với hơn 120 bậc đá theo sườn núi. Từ đây chúng ta có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Phú Quý xinh đẹp và hữu tình.
checkin Hải Đăng Phú Quý
Hải Đăng Phú Quý
16. Bãi nhỏ Gành Hang
 Bãi nhỏ - Gành Hang là một trong những bãi tắm đẹp của Phú Quý. Nơi đây còn rất hoang sơ với bờ cát trắng, mịn màng tinh khiết, nước biển trong xanh mát lạnh, những mỏm đá huyền nham với nhiều hình thù kỳ thú, không khí trong lành, là nơi lý tưởng cho bất cứ du khách muốn hòa mình vào với thiên nhiên. Bãi nhỏ - Gành Hang thích hợp với nghỉ dưỡng, tắm biển, lặn biển…Vào những lúc trời yên biển lặng, Bãi nhỏ - Gành Hang chính là thiên đường cho du khách muốn trải nghiệm nơi đây, bởi không gian du dương, tĩnh lặng đầy nét hoang sơ của nó.
bãi nhỏ Phú Quý

17. Cột cờ Phú Quý
 Cột cờ Tổ quốc ở Phú Quý được xây dựng vào đấu năm 2015 và hoàn thành từ tháng 8/2015. Cột cờ Phú Quý được dựng trên ngọn đồi Gành Hang (thuộc địa phận thôn Triều Dương, xã Tam Thanh) ở độ cao 45m so với mực nước biển. Do đứng ở địa thế đẹp, không gian thoáng mát nên thơ, nên từ xa chúng ta có thể nhìn thấy cột cờ hiện ra sừng sững và uy nghi.
Từ cột cờ nhìn ra xung quanh, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, bên Tây là màu xanh mướt của thảm thực vật, bên Đông là biển cả xanh biếc. Tất cả vẽ nên một bức tranh đầy hào hùng và thanh bình nơi hải đảo. Cột cờ Phú Quý là địa điểm được ưu tiên đến thăm của du khách mỗi khi đến đảo. Cột cờ còn là điểm sinh hoạt truyền thống của thế hệ trẻ Phú Quý và là điểm đến của du khách trong những chuyến hành trình về với biển đảo. Đây là một nơi trải nghiệm, để khám phá nét đặc biệt của Phú Quý.
Cột cờ đảo Phú Quý
Cột cờ Phú Quý


 
18. Chợ hải sản Phú Qúy
Từ khi Phú Quý được biết đến là một địa chỉ du lịch, quản lý các khu chợ cá bài bản hơn, phục vụ du khách sau khi đến đây tham quan, du lịch, mua hải sản tươi sống ngay tại bãi biển mang về đất liền. Các phiên chợ cá dần trở thành nơi trao đổi mua bán trực tiếp giữa ngư dân và khách du lịch. Dọc bờ biển Phú Quý có rất nhiều điểm chợ bán hải sản, tuy nhiên khu chợ tại cảng Phú Quý là nơi tập trung nhiều tàu thuyền nhất và cũng là chợ hải sản lớn nhất trên đảo.
Người dân đảo Phú Quý rất nhiệt tình và tốt bụng, họ có thể mang đến cho bạn sự yên tâm và nhiều tiếng cười. Do vậy, bạn đừng vội ngạc nhiên khi bạn được một người dân tốt bụng mời vào nhà để uống nước và chia sẻ những câu chuyện thú vị trên đảo nhé!
Hãy cùng đến với huyện đảo hoang sơ giữa trùng dương - Phú Quý để một lần tham quan hết các địa điểm kể trên, để biết thêm về cuộc sống của những con người vùng đảo.
 Chợ hải sản đảo Phú Qúy
Đặc sản Đảo Phú Quý
19. Quạt gió khổng lồ ở Phú Quý – địa điểm check in tuyệt đẹp
Quạt gió vốn không phải là thứ xa lạ đối với mọi người, nhưng quạt gió khổng lồ thì không phải ai cũng được chứng kiến. Chính vì vậy cánh đồng quạt gió khổng lồ được rất nhiều người yêu thích và lựa chọn là địa điểm check in lý tưởng khi du lịch đảo Phú Quý. Cùng tìm hiểu quạt gió khổng lồ ở Phú Quý – 1 trong 3 cánh đồng quạt gió đẹp nhất Việt Nam.
Chắc hẳn mọi người đều biết điện là một thứ rất quan trọng đối với đời sống hàng ngày, giúp chất lượng cuộc sống tăng lên đáng kể. Tại huyện đảo Phú Quý xa xôi tình trạng thiếu điện khiến người ngư dân phải chịu không ít khổ cực.
Cũng chính vì vậy mà nhà máy điện gió ra đời từ năm 2012. Với sự sản xuất điện liên tục từ 3 chiếc quạt gió khổng lồ ở Phú Quý đã giúp cho người dân cải thiện được đời sống, đủ điện để sinh hoạt và sản xuất.
Quạt gió khổng lồ ở Phú Quý ngày càng thu hút nhiều du kháchCánh đồng quạt gió ở huyện đảo đã đốn tim rất nhiều du khách tham quan. Bất cứ ai du lịch Bình Thuận Phan Thiết khi trở về cũng khoe những bức ảnh tuyệt đẹp check in cùng quạt gió khổng lồ.
điện gió Phú Quý

Mỗi bức ảnh ở 1 vị trí khác nhau, 1 thời điểm khác nhau lại có nét đẹp dấu ấn rất riêng. Dù là trong cảnh bình minh vừa hừng sáng, hay lúc chiều tà cảnh đều đẹp mộng mơ.
Để quan sát và check in những chiếc quạt gió khổng lồ này du khách có thể nhìn từ ngọn Hải Đăng núi Cấm, hoặc đứng trên đỉnh núi Cao Cát nhìn xuống.


Vị trí địa lý Huyện đảo Phú Quý với khoảng cách tới các vùng lân cận như sau:
Cách thành phố Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 110 km) về phía Tây Bắc
Cách quần đảo Trường Sa 540 km về phía Đông.
Cách thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa 150 km về phía Bắc.
Cách Côn Đảo 330 km về phía Tây Nam.
Cách thành phố Vũng Tàu 200 km về phía Tây.
Hành Chính: Huyện đảo Phú Quý có 3 xã : Long Hải, Ngũ Phụng (huyện lỵ), Tam Thanh. Hiện nay, trung tâm huyện lỵ Phú Quý đạt chuẩn đô thị loại V.
Ẩm thực - đặc sản
Hải sâm được nhiều người ưa thích nhất và được phục vụ trong các bữa tiệc. Hải sâm còn là nguồn lợi xuất khẩu.
Da cá mú bông hấp các vị thuốc bắc gồm đại táo, câu kỷ, mộc nhĩ, bá hạp, hột sen và một ít bún song thăng, gia thêm ngũ vị hương.
Cua huỳnh đế là đặc sản của vùng biển Bình Thuận, nhất là tại Phú Quý. Cua huỳnh đế có màu đỏ hồng, mai hình vuông, càng và que ngắn. Ðặc biệt, đầu cua dài và có nhiều râu.
Ốc vú nàng.
Giao thông Phú Quý
Giao thông nối liền Phú Quý và đất liền từ trước đến giờ còn hạn chế chủ yếu dựa vào đường thủy nội địa. Hiện nay có tàu trung tốc Hưng Phát, cao tốc SuperDong, Express Phú Quý. giảm thời gian từ 6h xuống còn 2h30 phút. Giao thông đường bộ trên đảo thuận lợi. Có dịch vụ cho thuê xe máy để di chuyển trên đảo.
Điện gió Phú Quý 10°33′04″B 108°55′52″Đ đặt tại vùng đất xã Long Hải và Ngũ Phụng phía bắc đảo. Điện gió Phú Quý có công suất lắp máy 6 MW với 3 tua bin, cung cấp hàng năm khoảng 25,4 triệu kWh, hoạt động liên hợp với nhà máy điện diesel 3 MW. Dự án khởi công ngày 26/11/2010, dự kiến tháng 12/2011 nhưng thực tế khánh thành tháng 8/2012

Your Vacation Travel tổng hợp
Du lịch Đảo Phú Quý
Du lịch Phan Thiết, Bình Thuận
Tin khác
Những hình ảnh thực tế về phòng lưu trú và toàn cảnh của Garrya Mù Cang Chải Resort
Những hình ảnh thực tế về phòng lưu trú và toàn cảnh của Garrya Mù Cang Chải Resort

Hãy cùng Your Vacation Travel khám phá Garrya Mù Cang Chải...

Le Champ- Tu Le Resort Hot spring & spa - Khu nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên và duy nhất ở thiên đường núi bí ẩn Tú Lệ
Le Champ- Tu Le Resort Hot spring & spa - Khu nghỉ dưỡng cao cấp đầu tiên và duy nhất ở thiên đường núi bí ẩn Tú Lệ

Cùng Your Vacation Travel khám phá Le Champ Tú Lệ Hot Spring &...

Le Champ Tú Lệ Resort - Thiên Đường nghỉ dưỡng đầu tiên tại Yên Bái
Le Champ Tú Lệ Resort - Thiên Đường nghỉ dưỡng đầu tiên tại Yên Bái

Cùng Your Vacation Travel khám phá Le Champ Tú Lệ Hot Spring &...

Garrya Mù Cang Chải Resort là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Yên Bái
Garrya Mù Cang Chải Resort là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên tại Yên Bái

Garrya Mù Cang Chải Resort là khu nghỉ dưỡng 5 sao đầu tiên sở...

Review Mù Cang Chải Resort là Resort 5 sao đầu tiên tại Mù Cang Chải Yên Bái
Review Mù Cang Chải Resort là Resort 5 sao đầu tiên tại Mù Cang Chải Yên Bái

Du lịch Kỳ nghỉ của bạn xin giới thiệu Review Mù Cang Chải Resort...

Chương trình thăm và tặng quà cho các cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Đảo Trường Sa
Chương trình thăm và tặng quà cho các cán bộ chiến sĩ đang công tác tại Đảo Trường Sa

Cùng Your Vacation Travel đăng ký chương trình Đặc biệt thăm quan...